Đà Lạt khi xưa vốn dĩ là vùng đất của những người đồng bào thiểu số thuộc bộ tộc K'Ho hiện nay. Sau cuộc khám phá của bác sĩ Yersin vào tháng 6 năm 1893, bộ mặt thành phố Đà Lạt dần hình thành bới công cuộc xây dựng và quy hoạch có chủ đích của người Pháp sau đó.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, những người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó. Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970–1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố 211 ngàn dân, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.
Một thời đã qua với bao vết tích và giá trị lịch sử vẫn còn đọng lại, hôm nay tập thể những người yêu mến Đà Lạt xin gửi đến quý độc giả 140 bức ảnh về Đà Lạt xưa, hi vọng những bức ảnh này sẽ giúp quý độc giả có cái nhìn xuyên suốt hơn về một thời huy hoàng của thành phố nghỉ dưỡng này.
Cây xăng CALTEX nằm ở vị trí bưu điện thành phố Đà Lạt hiện nay
Góc hồ Xuân Hương với nhà hàng Thủy Tạ và khách sạn Palace
Một kiểu khách sạn ở Đà Lạt thời gian 1948
Thác Cam Ly một thời là biểu tượng của Đà Lạt
Một góc phía sau nhà Ga Đà Lạt vào những năm 1940
Trường Yersin năm 1968, sau này là trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt
Cồng trước trường Yersin năm 1968
Một góc Đà Lạt năm 1936
Một góc gian hàng trái cây và rau ở chợ Đà Lạt năm 1961
Một người phụ nữ mặc đồ bà ba đứng trước chợ Đà Lạt năm 1968
Cầu thang chợ lên khu Hòa Bình
Một kiểu biệt thự ở Đà Lạt vào những năm 1930
Một góc phố Phan Đình Phùng những năm 1960
Góc này các bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh trường Yersin và một góc hồ Xuân Hương phía xa
Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt, hiện nay tọa lạc tại đường Đinh Tiên Hoàng
Sinh viên của trường Lycee Yersin năm 1948
Toàn cảnh nhà thờ Domaine năm 1948
Toàn cảnh hồ Xuân Hương nhìn từ khách sạn Palace năm 1930
Bức ảnh này cho cái nhìn mới hơn về nhà Ga Đà Lạt năm 1970
Khu hòa bình năm 1970
Một góc chợ Đà Lạt năm 1970
Hai anh lính chế độ cũ tạo dáng trước cổng chợ Đà Lạt vào năm 1968Một góc hồ Xuân Hương nhìn từ đồi Cù
Khu Hòa Bình năm 1971
Vòng xoay cầu ông Đạo năm 1970, lúc này hàng tùng đã lớn lắm rồi nhỉ ?
Một góc đường Duy Tân năm 1968, nay là đường 3 tháng 2
Toàn cảnh chợ Đà Lạt và khách sạn Hải Sơn năm 1970
Góc phố khu trung tâm Hòa Bình với các công trình hiện nay vẫn còn như khách sạn Thủy Tiên, Rạp chiếu phim Hòa Bình, 2 ngôi nhà đầu đường Trương Công Định.
Phố xuân năm 1968
Một góc phố Đà Lạt thập niên 1930
Mai Anh Đào khoe sắc bên hồ Xuân Hương năm 1930
Góc ảnh này độc giả có thể thấy còn rất nhiều Thông phía sau chợ Đà Lạt
Nữ sinh Đà Lạt thập niên 1930
Toàn cảnh Viện Đại Học Đà Lạt được chụp vào năm 1968
Những người phụ nữ K'Ho đang ngồi bán hạt dẻ ở Đà Lạt năm 1925
Góc này cho cái nhìn cận cảnh hơn về chợ Đà Lạt thập niên 1960
Biết bao nhiêu người đã dàn trải nỗi lòng nhung nhớ về thành phố này thành những dòng hồi ký, những lời tình tự, những vần thơ lai láng, những âm thanh, điệu nhạc thánh thót, trữ tình hay những bức tranh vẽ, những tấm ảnh chụp rất nghệ thuật…
Mỗi người một vẻ… Quả thật Đà Lạt mãi mãi in đậm nét trong lòng người, nhất là những người đang sống một cuộc đời xa xứ. Một bài viết năm 1959 đã nói: “Bạn có sống qua những ngày lặng lẽ u buồn ở Đà Lạt, có ngắm qua những buổi hoàng hôn nhuộm đỏ cánh đồi, có ngồi thu mình nhìn qua giọt mưa nặng trĩu rơi trên cửa kính, có dịp trầm ngâm cô độc say mê theo khói thuốc và hương vị tách cà phê phin đen ngòm, có lủi thủi dưới làn mưa bụi về đêm, có nện gót giày đều đều trên đường phố hoang vắng, có sống qua những giờ phút trống rỗng của cuộc đời và lòng có mang ít nhiều kỷ niệm đau thương, bạn mới cảm được cái “tâm hồn” sâu xa và thấm thía của Đà thành.
Và lúc ấy, bạn khó lòng mà rời Đà Lạt được nữa.” (Khánh Giang) “Cái thành phố đó nếu bạn đến một lần là sẽ nhớ mãi. Ðến rồi không muốn rời đi. Ði rồi lại muốn trở lại. Nhưng đó là Ðà Lạt của 40 năm về trước, một Ðà Lạt hiền lành như ngô khoai, trong sạch đẹp đẽ thơm như hoa hồng nhung, ngọt ngào như chuối La Ba và thủy chung như những hàng thông.” (Khánh Ly) Thương nhớ Đà Lạt vô vàn nhưng có người đã phải u buồn mà kết luận: “Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tương đối mà con người có thể mưu cầu được cho mình, phải chăng với người dân Đà Lạt ngày nay, Đà Lạt ngày xưa đã là một thiên đường đánh mất?” (Vi Khuê) Tình yêu với Đà Lạt thật muôn vẻ, dàn trải cả trên đồi cao lẫn dưới lũng thấp.
Chập chùng giữa núi xanh rừng thẳm. Lững lờ trên mặt suối trong hồ lặng. Cuồn cuộn theo thác gieo nước bạc. Thấp thoáng trong mưa giăng sương phủ. E ấp phủ khắp hoa đồng cỏ nội… Phải chăng đối với những ai đã từng sinh trưởng tại Đà Lạt, hay đã có một thời gian dài sinh sống ở đây hoặc chỉ là du khách ghé thăm thành phố trong một thời gian ngắn sẽ cảm nhận được rằng Đà Lạt của những ngày tháng cũ đã để lại trong tận cùng tâm khảm con người những niềm thương sâu đậm và thiết tha…
Tình với Đà Lạt Dấu Yêu bồng bềnh như bóng mây, một thời đã hội tụ quyến luyến trên bàu trời thành phố cao nguyên thời nay lại man mác dàn trải ra khắp cả bốn phương trời… Nỗi nhớ khôn nguôi, kể sao cho hết. Chất chồng biết bao kỷ niệm thân thương. Càng xa Đà Lạt lâu thời nỗi nhớ nhung lại càng đậm đà… Hết nhớ người, nhớ cảnh lại nhớ đến tình…
Tình với Đà Lạt mãi mãi chung thủy. Luôn luôn trọn vẹn. Hòa nhập cùng với tình người, tình thiên nhiên vạn vật, tình quê hương đất nước… Dù cho “vật đổi” nhưng lòng người chẳng dời thay! Dù biết rằng Đà Lạt chỉ như một “quán trọ” ta tạm dừng chân trong dòng đời!
Mà nghĩ cho cùng thời có lẽ cả cõi trần gian này cũng chỉ là một “quán trọ” trong vòng sinh tử luân hồi đấy mà thôi! Nhưng dễ ai mà đã “thoát tục” để xả đi mọi tình cảm, quên được những dấu ấn sâu đậm Đà Lạt xưa đã ghi khắc trong lòng người!
Thông Tin Đà Lạt tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét